QÚA TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS LÊ HỒNG PHONG

QÚA TRÌNH THÀNH LẬP TRƯỜNG
           UBND QUẬN HÀ ĐÔNG
TRƯỜNG THCS LÊ HỒNG PHONG

                                     
 
    
 
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP TRƯỜNG THCS LÊ HỒNG PHONG

PHẦN I. GIỚI THIỆU CHUNG
       Trường THCS Lê Hồng Phong là một ngôi trường ở trung tâm quận Hà Đông, nằm ngay trên trục đường 123 Lê Hồng Phong. Trường được thành lập từ năm 1960, qua bao đổi thay theo sự phát triển chung của ngành giáo dục với những mốc thời gian và tên gọi khác nhau, nay mái trường mang tên vị anh hùng của dân tộc Lê Hồng Phong ngày càng từng bước khẳng định chất lượng giảng dạy và học tập để không ngừng vươn lên. 60 năm- cả một chặng đường dài hình thành, dựng xây và phát triển. Nơi đây, bao thế hệ nhà giáo đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp trồng người. Nơi đây đã ghi dấu bước chân trưởng thành của bao lớp học sinh. Còn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người là những tình cảm thiêng liêng với bạn bè, thầy cô, về cuộc sống muôn màu của một thời tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, về quãng đời học trò đầy mơ mộng, giàu hoài bão.
PHẦN II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
    - Khởi đầu từ năm 1960-1961 khi tỉnh Hà Đông cũ mới chỉ có một trường công lập là trường cấp II, III Nguyễn Huệ và trường cấp II tư thục Thống Nhất. Trường cấp II Lê Hồng Phong được tách ra từ trường cấp II, III Nguyễn Huệ, nằm dọc trục đường Lê Hồng Phong, phường Hà Cầu.
    - Khi mới thành lập, nhà trường chỉ có 5 phòng học cấp 4, văn phòng là hậu cung của Miếu làng Đơ, trường do thầy Nguyễn Sĩ Quốc làm hiệu trưởng.
Năm học 1965-1966 giặc Mỹ đánh phá ác liệt Miền Bắc, nhà trường phải đi sơ tán xuống thôn Hà Trì. Với sự giúp đỡ của Hội bảo trợ và nhân dân Hà Trì, trường học ở hai nơi có bốn lán xung quanh đắp luỹ và giao thông hào. Học sinh đi học từ 4 giờ 30 phút sáng, đội mũ rơm và đeo túi thuốc đến trường.
    - Năm học 1969-1970 trường cấp II Lê Hồng Phong sát nhập với trường cấp I Hà Cầu thành trường cấp I,II Hà Cầu, lúc bấy giờ do thầy Đỗ Văn Nhiên làm Hiệu trưởng.
    - Năm học 1988 – 1989 trường cấp I, II Hà Cầu tách ra thành trường tiểu học Hà Cầu và trường THCS Hà Cầu. Khi tách ra nhà trường có 7 lớp học với 297 học sinh do cô Vũ Hồng Quy làm Hiệu trưởng.
    - Đến năm 1999 được sự quan tâm của UBND tỉnh Hà Tây, UBND thị xã Hà Đông và UBND xã Hà Cầu, trường được nâng cấp lại với tổng kinh phí là 2 tỉ đồng. Trường được xây dựng và khánh thành vào năm 2001, khi đó nhà trường có 12 phòng học,01 phòng máy tính, 01 phòng hội đồng và 04 phòng làm việc khác có đủ  thiết bị hiện đại theo hướng đổi mới phương pháp dạy học. Lúc này trường do cô Đào Thị Kim Thanh làm Hiệu trưởng.
    - Sau khi  xây trường mới với nguyện vọng của các thế hệ học sinh (đặc biệt là các học sinh khoá I) HĐND, UBND, Phòng giáo dục đã giúp đỡ nhà trường đổi về tên trường cũ là trường THCS Lê Hồng Phong. Tháng 4 năm 2004 theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây, trường THCS Hà Cầu chính thức đổi thành trường THCS Lê Hồng Phong.
    - Năm 2009 nhà trường được xây bổ sung 03 phòng học ghép vào đầu của tòa nhà 3 tầng, khi đó tổng số phòng học của nhà trường là 18.
    - Năm học 2010- 2011 được sự quan tâm của UBND quận Hà Đông và UBND phường Hà Cầu, trường được bổ sung xây dựng thêm hai đơn nguyên số 4 (khu phòng bộ môn) và số 5(khu hiệu bộ). Trường có tổng số 18 phòng học văn hoá, 5 phòng bộ môn và 7 phòng làm việc với cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Lúc này Trường do cô Giang Thị Nguyên làm Hiệu trưởng.
    - Tháng 12 năm 2015 cô Giang Thị Nguyên nghỉ chế độ hưu, cô Hoàng Thị Minh Phương  Phó hiệu trưởng nhà trường được UBND quận Hà Đông quyết định giao phụ trách trường. Nhờ tinh thần không ngừng học hỏi và vươn lên cũng như sự tín nhiệm của lãnh đạo cấp trên cùng với sự tin yêu của đội ngũ  giáo viên nhà trường, tháng 3/2015 cô được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong – Hà Đông. Thời gian đầu trường còn gặp rất nhiều khó khăn nhất là đội ngũ cán bộ quản lí, Ban giám hiệu chỉ có một mình Hiệu trưởng. Lúc này các tổ trưởng chuyên môn trở thành cánh tay nối dài của Hiệu trưởng cùng với sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ giáo viên đã vượt qua được những khó khăn thách thức và chất lượng  nhà trường đã đứng trong tốp đầu các trường trong quận Hà Đông. Đến cuối tháng 5 năm 2015 UBND quận Hà Đông  điều động thầy giáo Nguyễn Thế Hảo cán bộ phòng giáo dục Hà Đông về làm phó Hiệu trưởng nhà trường.
    - Tháng 6 năm 2016 nhà trường lại có những thay đổi về nhân sự: Thầy giáo Nguyễn Thế Hảo được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, một lần nữa Ban giám hiệu lại chỉ có một mình cô Hoàng Thị Minh Phương  gánh vác tất cả các công việc của nhà trường. Nhưng với cách làm việc nghiêm túc, khoa học của cô, với lòng nhiệt tình tận tuỵ  của các thầy cô giáo toàn trường, sự quan tâm phối hợp của Hội cha mẹ học sinh nên mọi hoạt động  của nhà trường vẫn đi vào nền nếp. Nhà trường đã có những chuyển biến tích cực về quy  mô phát triển trường lớp cũng như chất lượng hiệu quả giáo dục. Vào tháng 02 năm 2017 cô Lưu Thị Hằng - giáo viên của nhà trường được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường. Năm học 2017-2018 nhà trường có 28 lớp với 1178 học sinh, trường được nâng cấp lên hạng I vì vậy Ban giám hiệu nhà trường có thêm 01 Phó Hiệu trưởng  và cô giáo Nguyễn Thị Chung - giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn của nhà trường được UBND quận Hà Đông bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng vào tháng 12 năm 2017.
     - Nhìn lại chặng đường đã qua từ năm 1960 cho đến ngày hôm nay nhà trường đã trải qua 60  năm với nhiều sự thay đổi và đầy những khó khăn thử thách. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào bằng sự nỗ lực và tinh thần đoàn kết các thế hệ thầy và trò của nhà trường vẫn khắc phục khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.
      Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ giáo viên có tinh thần trách nhiệm tâm huyết với nghề, nhiệt tình trong công tác. Trường hiện có 59 cán bộ, giáo viên, nhân viên.Trong đó 100% cán bộ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.
     Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn bám sát nội dung, tiếp cận và đổi mới phương pháp  giảng dạy. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục các thầy cô giáo của trường luôn xác định không ngừng đổi mới việc dạy và học. Luôn tự học và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, quan tâm đến học sinh yếu kém, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để học sinh tiếp thu kiến thức nhanh và hiệu quả hơn. Kết quả tỉ lệ học sinh đỗ vào trường công lập và trường chuyên cũng đáng ghi nhận như năm học 2013-2014 tỉ lệ đỗ vào THPT công lập là 85%, tỉ lệ đỗ chuyên là 5,2%,  năm học 2014- 2015 tỉ lệ đỗ vào THPT công lập là 90,75%, tỉ lệ đỗ chuyên là 3,52%,  đến năm 2017-2018 tỉ lệ đỗ vào THPT công lập là 79%, tỉ lệ đỗ chuyên là 3,1%, năm học 2018-2019  tỉ lệ đỗ vào THPT công lập là 92,44%, tỉ lệ đỗ chuyên là 5,04%.
      Nhà trường đặc biệt coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống để mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Ngoài ra nhà trường còn giáo dục cho các em về mục tiêu và nhiệm vụ của học sinh dưới mái trường XHCN, định hướng giúp học sinh xác định đúng đắn về  động cơ, thái độ học tập để lập thân, lập nghiệp sau này.
      Với phương châm giáo dục toàn diện, trong những năm học vừa qua nhà trường không chỉ có nhiều em đạt giải học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố các bộ môn văn hoá  mà  còn có rất nhiều em đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao. Nhà trường đã từng được nhận bằng khen của Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam về phong trào văn nghệ. Nhiều năm liên tục liên đội được công nhận là liên đội mạnh cấp quận, cấp Thành phố, đặc biệt năm học 2018-2019 liên đội được tặng bằng khen của Hội đồng Đội Trung ương, cô giáo tổng phụ trách đội Nguyễn Thị Minh Huệ được nhận Bằng khen của Hội đồng Đội Trung ương.
      Thành tích mà các thế hệ các thầy cô giáo và học sinh trường THCS Lê Hồng Phong đạt được là rất đáng tự hào. Chúng ta đã tạo được niềm tin với  Đảng bộ và nhân dân phường Hà Cầu nói riêng, nhân dân quận Hà Đông nói chung về ngôi trường Lê Hồng Phong thân yêu.
      Truyền thống đó được các thế hệ thầy trò hôm nay và cả mai sau mãi mãi khắc ghi trân trọng, tự hào và học tập để ghi thêm những nét son chói lọi trong trang sử truyền thống của nhà trường.
                                                                                                                                                                                  HIỆU TRƯỞNG
                                                                                                                                                        Hoàng Thị Minh Phương
 
Thăm dò ý kiến

Đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

 
Thống kê
  •   Đang truy cập 16
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 15
 
  •   Hôm nay 770
  •   Tháng hiện tại 108,868
  •   Tổng lượt truy cập 3,355,447