GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 03/2023

Thứ hai - 27/03/2023 11:48
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 03/2023
Kính thưa các thầy cô giáo!
Thưa toàn thể các bạn học sinh thân mến!

Chúng em rất vui khi được gặp lại thầy cô và các bạn học sinh trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay.
Tháng 3 đã về trong không khí vui tươi tràn ngập sắc xuân khắp đất trời
Tháng của những bông hoa bung nở khoe sắc. Đâu đâu chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bông hoa ban, hoa gạo, hoa sưa, hoa bưởi…. tỏa hương thơm ngát, rung rinh trong nắng ấm mùa xuân.
Tháng 3, tháng của tình yêu thương và tôn vinh những người phụ nữ
 Trong buổi giới thiệu sách hôm nay em trân trọng giới thiệu đến thầy cô và các bạn cuốn sách “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc” của tác giả Nghiêm Văn Tân do nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2012. Cuốn sách có khổ 13 x 19 cm , dày 307 trang, In tại nhà xuất bản Phụ nữ với số lượng 2.000 cuốn. Sách có kí hiệu xếp giá thư viện là STK 1507
Nghiêm Văn Tân - tác giả của cuốn sách là một công nhân luyện gang, luyện thép ở khu Gang thép Thái Nguyên, thông qua tác phẩm ông đã giúp cho chúng ta được sống lại cùng thời với những người con gái đã hy sinh anh dũng trên đất Hà Tĩnh năm nào. Trên đời này có những điều chẳng cần tiểu thuyết hóa nhưng tự nó cũng đã tỏa sáng. Chính vì thế, tác giả đã chọn thể loại truyện ký để kể về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc Tất cả còn trẻ măng, người nhiều tuổi nhất mới hai mươi bốn tuổi, người trẻ nhất vừa chớm tuổi mười tám. Mười cô gái anh hùng ngày ấy, suốt đêm suốt ngày bám mặt đường, chịu đựng bom đạn, giữ vững huyết mạch giao thông ở một điểm nút vô cùng quan trọng: Đó chính là Ngã ba Đồng Lộc
10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc lâu nay đã thành đề tài cho biết bao nhiêu loại hình nghệ thuật. Mười cô gái thanh niên xung phong đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam như một biểu tượng cho sự quả cảm của tuổi trẻ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt.  
Các bạn ạ !
Chiến tranh đã qua đi, thời gian và lịch sử đã ghi lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Các thế hệ người Việt Nam đã in sâu trong tâm thức của mình sự hy sinh của những con người anh hùng, kiên trung, họ không tiếc máu xương và đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Tiêu biểu là sự hy sinh khi đang làm nhiệm vụ của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Tác giả Nghiêm Văn Tân một lần nữa muốn tái hiện hình ảnh bi tráng của các cô trong tác phẩm như tấu lên một khúc ca thiên thu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cuốn sách được viết theo thể loại truyện ký gồm hai phần:
Phần I: Đài hoa tím
Phần II: Vĩ thanh.
Ở phần đầu “Đài hoa tím”, tác giả cẩn thận kể lại từng chi tiết ông gom góp được suốt quá trình tìm về lịch sử cuộc ném bom ác liệt năm 1968 ở ngã ba Đồng Lộc.
Dựa trên một câu chuyện có thật về mười cô gái ở tiểu đội 4 đại đội 552 tổng đội 55. Dưới ngòi bút chân thực, giản dị của Nghiêm Văn Tân, hình ảnh 10 cô gái hiện lên xúc động với những bức chân dung mang mỗi người một vẻ: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh. Các chị mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chung một chiến hào, chung một lí tưởng, chung một ý chí đó là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để dành lấy nền tự do độc lập cho dân tộc.
Ngã ba Ðồng Lộc là một khúc tráng ca mang âm hưởng hào hùng và giàu chất thơ, trung thực với sự thật lịch sử, phản ánh một cách sinh động thế giới nội tâm với lòng khao khát yêu đời và tha thiết niềm tin vào ngày mai chiến thắng của các cô gái, dù trong tình huống ngặt nghèo của đạn bom hay trong những khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi. Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành mạch máu giao thông quan trọng, nối liền hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn Miền Nam.
Đế quốc Mỹ biết được điều đó nên đã tìm mọi cách cắt đứt con đường này. Thế nhưng những cô gái thanh niên xung phong đã dũng cảm xả thân quên mình, quyết “ sống bám cầu, bám đường”. Họ đã luôn chiến đấu với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”. Mưa bom bão đạn không thể làm khuất phục ý chí chiến đấu của họ.
Nhưng rồi hôm ấy, vào lúc 16h30 phút ngày 24/07/1968, khi 10 cô gái ra lấp đường cho xe ra chiến trường tiếp viện…, một quả bom đã rơi trước mặt họ. Cả trận địa lặng đi, đồng đội ào khóc nức nở….Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời mới 18, đôi mươi - Đó là cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Họ đã ra đi, thân xác họ đã vùi sâu trong đất, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường của họ vẫn sống mãi trong tâm trí những con người Việt Nam.
Nghiêm Văn Tân đã dựng lại cuộc sống đời thường của 10 cô gái thanh niên xung phong thật kỹ càng, thật xúc động. Qua đó chúng ta thấy được một vùng quê Hà Tĩnh trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Không khí chiến tranh hừng hực trong từng ngôi làng, trong từng căn nhà. Cùng với bom đạn là thiếu thốn, khó khăn. Miếng cơm, manh áo lúc đó của Hà Tĩnh là cả một chuyện lớn. Thế nhưng tất cả vì tiền tuyến, người Hà Tĩnh một lòng một dạ hy sinh cho Tổ Quốc.
Khép lại “ Đài hoa tím”, Nghiêm Văn Tân đưa chúng ta đến với phần 2 có tên gọi “ Vĩ thanh”, gồm có hai chương Đêm và Ngày. Đêm tác giả kể chuyện chính mình đi tìm lại cuộc đời các cô, lặn lội bao nhiêu lần, vất vả ra sao, đã hoàn thành tác phẩm như thế nào và tại sao tác giả lại chọn đề tài “10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc” một đề tài quá khó đối với một chàng trai Hà Nội. Chính vì vậy mà tác phẩm đã toát lên một tấm lòng biết ơn vô bờ bến của nhân dân ta đối với những người đã ngã xuống trên chiến trường này.
Đọc truyện ký "10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc", chúng ta vô cùng xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các cô đang ở tuổi thanh xuân. Chúng ta rất biết ơn, tự hào và ngưỡng mộ các cô. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc anh hùng, cũng chính là hiểu được tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Các bạn thân mến!
Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên tọa độ chết năm xưa. Sự hy sinh anh dũng của Mười cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ khác sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau.

Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày các chị yên nghỉ, nhưng tuổi xuân mà các chị hiến dâng cho Tổ quốc vẫn mãi vẹn nguyên tuổi hai mươi. Các chị và hàng triệu những người con anh hùng đã hy sinh để mang lại mùa Xuân độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước, bởi vậy các thế hệ người Việt Nam ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, với tấm lòng đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, phải sống, học tập, cống hiến sức trẻ, trí tuệ xây dựng đất nước sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó.
Cuốn sách “ 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, thực sự là một cuốn truyện ký rất hay và ý nghĩa. Các bạn hãy bổ sung vào tủ sách cá nhân của mình hoặc lên thư viện nhà trường để tìm đọc sách nhé!
Buổi giới thiệu sách đến đây là kết thúc.Chúng em xin chân thành cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của các thầy cô giáo và các bạn học sinh. Hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau./
Một số hình ảnh của buổi giới thiệu sách

z4215053837292 bf031183fbce52ac78444caf1804c98d


                          Học sinh Nguyễn Hoàng Gia Anh, Ngô Nhật Linh lớp 7A4


z4215053833355 2d975986fe094638bb9af4ce8b9cd47a



z4215053845222 c74f8d2e2bda90eecbeac30d053b6859


z4215053835571 b37c559477f769719aec1653ef69b311


z4215053836594 005204f3a2c769babd37ba8edf645739


z4215053844752 b8215797f4015f839c4ce93adc210a72


z4178825636602 3177ceb59408bd9367eb533f54109d8f


z4178825555662 b4e82815bb2332247b56f6cfad88f7d8

                                      Học sinh Lương Trà My, Nguyễn Minh Ngọc lớp 6A3

z4178825491999 73e93ae3fbb568c4f9a9c55e2a676718

                                       


 

Tác giả: Nguyễn Thị Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Thăm dò ý kiến

Đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

 
Thống kê
  •   Đang truy cập 86
  •   Máy chủ tìm kiếm 2
  •   Khách viếng thăm 84
 
  •   Hôm nay 4,829
  •   Tháng hiện tại 7,306
  •   Tổng lượt truy cập 2,508,166